LỜI GIẢI CHO XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

(http://thoibaokinhdoanh.vn/Thi-truong-17/Loi-giai-cho-xuat-khau-lao-dong-33376.html)

          Những năm gần đây, tình trạng lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc đã trở thành hiện tượng gây sốt với người Việt trẻ tuổi bởi chỉ sau vài năm trở về là có một khoản lưng vốn kha khá. Song mặt trái của vấn đề là những bất cập mà giới lao động Việt gặp phải khi “bán sức lao động” ở xứ người. Trước thực trạng này, Việt Nam đã tìm cách giải bài toán xuất khẩu lao động.

        Hiện nay, tình trạng bị đối xử hà khắc, làm việc nhiều giờ hơn thời gian quy định trong ngày, ít được nghỉ ngơi… khiến người lao động không chịu nổi phải bỏ trốn khỏi cơ sở tiếp nhận để ra ngoài tìm việc mưu sinh là những thực tế phổ biến xảy ra với người lao động Việt Nam tại không ít các nước tiếp nhận xuất khẩu lao động người Việt.

         Trước tình trạng đáng quan ngại này, dư luận trong nước đã đặt ra câu hỏi đối với việc tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực lao động xuất khẩu nước ngoài và quản lý nguồn lực này ở nước ngoài cũng như tình hình về nước của những lao động này sau khi kết thúc hợp đồng lao động ở nước ngoài.

Lo “cơm áo gạo tiền”

         Với câu hỏi đặt ra của dư luận, theo các chuyên gia, cần có một cuộc tổng kết nhằm đánh giá lại toàn diện công tác xuất khẩu lao động nước ngoài của Việt Nam trong thời gian qua để chỉ ra những tồn tại của công tác này. Từ đó, đưa ra các giải pháp khắc phục cùng hướng đi mới cho công tác xuất khẩu lao động của Việt Nam.

          Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã đặt ra mục tiêu hướng tới đào tạo được một đội ngũ lao động có tay nghề giỏi ở nước ngoài trong các lĩnh vực đã xuất khẩu lao động để quay trở về phục vụ cho công cuộc phát triển, kiến tạo đất nước bên cạnh chính sách giải quyết về việc làm, tiền lương trước mắt cho những lao động này.

          Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để đạt được mục tiêu này không đơn giản bởi phần đông người lao động cũng như các đơn vị liên quan tới xuất khẩu lao động chỉ nghĩ tới lợi ích trước mắt là làm gì, lương bao nhiêu khi tham gia công tác này. Chính tâm lý “cơm áo gạo tiền” đã khiến người lao động không chú tâm vào việc học nghề một cách chỉn chu trong thời gian làm việc ở nước ngoài nên sau khi kết thúc hợp đồng xuất khẩu về nước, ngoài khoản tiền dành dụm được, hầu hết người lao động vẫn “vô công rồi nghề” như trước khi đi.

          Chưa kể, đôi khi tâm lý đó còn khiến người lao động thấp thỏm “đứng núi này trông núi nọ” nên tìm cách ra ngoài làm thêm, làm chui để có thêm nhiều thu nhập trong thời gian làm việc ở nước ngoài, dẫn tới vô số hệ lụy xảy ra mà người chịu thiệt nhất vẫn là bản thân người lao động.

          Tuy nhiên, vẫn có những người lao động chịu khó, cần cù học hỏi nghiêm túc nên sau thời gian đi xuất khẩu trở về, đã ứng dụng và phát triển được nghề mình học ở nước ngoài để tự tạo được công ăn việc làm ổn định cho bản thân nhưng tính liên kết chưa cao, không tạo được thành một đội ngũ, dẫn tới mục tiêu có những đội ngũ tay nghề giỏi như Chính phủ đề ra còn khá xa vời.

Lễ ký kết về hợp tác đào tạo, tiếp nhận điều dưỡng viên giữa Công ty Haseko Holding ltd (Nhật Bản) và Trường Cao Đẳng Nghề Thăng Long

Cần thay đổi tư duy

         Với gần 20 năm kinh nghiệm đào tạo và xuất khẩu lao động ra nước ngoài, trường Cao đẳng nghề Thăng Long (huyện Đông Anh, Tp.Hà Nội), mới đây đã có những biện pháp tích cực đối với công tác còn nhiều nhức nhối này.

          Trong hai tháng đầu năm 2017, sau khi tham dự hai cuộc tọa đàm WG1 và WG2 giữa Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) và đại diện Bộ Lao động, giao thông và du lịch Nhật bản_(MLIT) cùng với sự tham gia của một số doanh nghiệp Nhật Bản tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam sang lao động trong lĩnh vực xây dựng, trường Cao đẳng nghề Thăng Long đang chính thức có_cuộc khảo sát tại Nhật từ ngày 18 – 26/4/2017 tại các nhà máy đang có tu nghiệp sinh Việt Nam làm việc và trao đổi chi tiết về mục tiêu mà xuất khẩu lao động Việt Nam cần đạt được.

          Trong quá trình khảo sát, sau khi tận mắt chứng kiến việc làm, cuộc sống, nơi ở, chỗ làm việc, sinh hoạt hằng ngày tại một số_cơ sở tiếp nhận lao động Việt Nam, các thành viên trong đoàn đều mong rằng nếu tại tất cả những nơi khác, các lao động Việt Nam đều có việc làm, cuộc sống như ở những nơi đoàn đã tới, chắc chắn sẽ không còn điều gì để quan ngại đối với xuất khẩu lao động Việt Nam về lâu dài.

         Tuy nhiên, để làm được việc này cần phải có sự thay đổi thực sự về tư duy từ chính người lao động tham gia xuất khẩu. Bản thân người lao động phải hiểu rõ rằng mục đích của họ khi sang nước ngoài lao động theo diện xuất khẩu là để học hỏi được nghề phù hợp với nguyện vọng, khả năng của bản thân cũng như nghề đó phải đáp ứng kịp nhu cầu phát triển nghề nghiệp trong các lĩnh vực, ngành nghề của Việt Nam trong giai đoạn phát triển, kiến tạo đất nước ở hiện tại và tương lai, mà không chỉ đơn giản là làm gì, lương được bao nhiêu.

          Từ đó cho thấy, năm 2017, các cơ quan quản lý trong nước cũng phải có sự định hướng khi lựa chọn nghề, lĩnh vực, khu vực để đưa lao động Việt Nam đi xuất khẩu. Như vậy, với những khu vực, đối tác không hợp tác đầy đủ, nghiêm túc đối với lao động xuất khẩu thời gian qua, Việt Nam cần tạm dừng để chấn chỉnh, khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện cùng với khảo sát thực tế cơ sở tiếp nhận mới ký cam kết theo quy định xuất khẩu lao động giữa Việt Nam với nước đối tác trước khi đưa lao động Việt Nam sang.

Hồng Minh

Bài Viết Liên Quan